Trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, có những món ăn ít phổ biến và có khả năng bị thất truyền do không mấy người biết đến như món bánh ngãi của người Nùng, món bánh khổ của người Mường… Lịch sử phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam trải qua hàng ngàn năm, tích lũy cho thế hệ chúng ta cả một kho tàng ẩm thực. Qua bao thăng trầm, đến nay có những món được phát triển và hoàn thiện thêm lên nhưng có những món lại dần dần bị quên lãng. Có nhiều lý do khiến nhiều một món ăn bị thất truyền: do không phù hợp với hoàn cảnh sống hiện tại, do cách chế biến quá cầu kỳ… Sau đây là một số món ăn ngày nay không còn phổ biến nữa, hoặc nếu còn thì chỉ có thể tìm thấy ở vài địa phương.
Cơm nếp mật
Là món ăn của vùng nông thôn Nam Định, nay hầu như không còn thấy nữa. Người ta nấu gạo nếp cho chín, sau đó trộn mật mía và gừng vào. Cơm nếp nấu chín cho ra dĩa, có màu nâu của mật mía, rất thơm ngon. Khi nguội, cơm nếp mật chặt lại, có thể cắt thành miếng để ăn.
Bánh chông
Bánh chông là đặc sản của xã Giao Tiến, huyện Xuân thủy, Nam Định, bánh thường được làm vào dịp Tết. Người ta nấu nếp với gấc. Khi xôi chín thì trộn đường vào sau đó giã nhuyễn xôi. Ép xôi lại rồi cắt thành miếng hình thoi như cây chông, hai đầu nhọn, cỡ ngón tay. Các miếng bánh này được phơi khô, sau đó rang giòn. Bánh giòn, có màu hồng cam rất đẹp, mùi thơm ngon, vị ngọt. Món bánh này đến nay tại Nam Định cũng không còn mấy phổ biến, chỉ còn vài gia đình làm để cung cấp theo đơn đặt hàng hoặc mang lên thành phố biếu cho người thân làm quà cho đỡ nhớ quê.
Bánh ngải
Đây là một loại bánh của người Nùng. Người ta dùng lá ngải rửa sạch, đun trong nước tro bếp cho nhừ, sau đó giã lá ngải chung với xôi. Vắt xôi thành những chiếc bánh nhỏ tròn, dẹt, đường kính khoảng 5cm. Nhân bánh là mè đen rang thơm, giã nhỏ trộn mật mía. Người Nùng dùng một loại lá có tên là lá “mác rạng” để gói, bánh sẽ không bị khô.
Bánh khổ
Là món bánh của người Mường dùng làm lễ vật cho ngày cưới. Bánh được làm đơn giản, từ nếp ngâm, nấu thành xôi, sau đó đem giã nhuyễn. Vắt tròn bánh bằng quả hồng, xếp lên mặt lá chuối, hong gió qua một đêm cho khô. Khi ăn bánh khổ, đem chiên vàng, hoặc nướng, bánh sẽ phồng và dẻo thơm trở lại.
Bánh bảy lửa
Là loại bánh đặc biệt có cách làm công phu, thường thấy vào dịp Tết ở các tỉnh miền Trung như Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bánh được làm qua nhiều công đoạn, từ rang nếp, rang mè, giã nếp thành bột rồi tiếp tục rang, chế biến bảy lần qua lửa nên mới có tên là bánh Bảy lửa.
Bánh được rang và sấy kỹ nhiều lần nên có thể để dành được đến ba, bốn tháng. Khi ăn, bánh giòn tan. Bánh này được nhiều người dân ở các địa phương kể trên ưa thích. Tuy nhiên vì chế biến quá công phu, mất nhiều thời gian nên hầu như hiện nay không còn thấy loại bánh này trên thị trường nữa.
Bánh nghệ
Bánh nghệ là loại bánh dùng làm món ăn chơi, ăn lỡ bữa của người miền Nam, đặc biệt là vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Bánh làm từ hai phần bột gạo nếp và một phần bột gạo tẻ khuấy chín rồi se thành sợi.
Bột bánh hấp chín, cho vào tô nhỏ, cho thêm giá, rau sống, mỡ hành, bì và thịt nướng. Món bánh này ăn chung với nước mắm chua ngọt pha bằng nước dừa tươi. Tuy nhiên bánh nghệ đến nay không còn thấy nữa.
Mắm nhum
Nhum là loại hải sản sống ở những gành đá ven bờ biển từ Bình Định đến Quảng Ngãi. Thịt nhum có thể vắt chanh vào ăn sống, hoặc kho, trộn trứng chưng cách thủỵ… Đặc biệt nhất là món mắm nhum sền sệt, có màu mầu đỏ đục, thơm lựng, từng là đặc sản tiến vua xưa của người dân Quảng Ngãi.
Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối lên trên, rồi đem phơi nắng từ 10 đến 15 ngày. Mắm nhum ăn với bún tươi rất ngon, nhưng ngon nhất là chấm thịt heo ba rọi kèm rau sống cuốn bánh tráng.
Nhum là loại hải sản hiếm, vì vậy ngày naym khi đến các vùng biển Nha Trang, Phú Quốc, Bình Định… người ta có thể thưởng thức món nhum sống hoặc nhum làm gỏi, còn mắm nhum thì hầu như không còn thấy.
Đồn đột hầm gà ác
Đồn đột tức hải sâm là một loại nguyên liệu quí. Ngày xưa dân đi biển bắt được đồn đột chủ yếu chỉ để cống nạp cho vua quan, ngày nay người ta có thể thưởng thức đồn đột biển ở các nhà hàng sang trọng, đây là món ăn đắt tiền.
Đồn đột có hình dạng giống như con giun lớn, chiều dài từ 20 đến 30cm, nhiều màu sắc, xẻ bụng đồn đột rửa sạch cát, luộc chín rồi chế biến ngay hoặc phơi khô để dành.
Trong món Đồn đột hầm gà ác, người ta dùng cả con đồn đột, nhồi vào bụng gà ác, sau đó hầm nhừ. Món này đến nay ít được chế biến có lẽ vì lượng dinh dưỡng quá cao. Việc phối hợp cả hai loại nguyên liệu quí và bổ dưỡng với nhau không phù hợp với kiến thức dinh dưỡng hiện đại.
Các món ăn của Việt Nam đến nay đã hầu như thất truyền vẫn còn nhiều. Có nhiều món ăn dân dã, đơn sơ và tuyệt ngon, nhưng không còn được chế biến nữa, thế nhưng chúng vẫn còn đâu đó trong ký ức nhiều người…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo
(Theo PNO)
Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013
Những món ăn Việt Nam ít người biết
Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013
Những phong tục đầu năm của người Việt ( P3 )
Phong tục ngày Tết
Phong tục đón tết cổ truyền ở Việt Nam có nhiều nét độc riêng, bắt nguồn từ những điển tích, huyền thoại xưa. Những phong tục này được duy trì cho đến ngày nay, và đều thể hiện những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt, mang nhiều ý nghĩa thực tế trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Tục Tảo mộ
Phong tục thuần tuý Việt Nam trong dịp Tết là tục tảo mộ cuối năm hay vào những ngày đầu năm mới. Vào những ngày cuối năm hay đầu năm, các gia đình thường tụ họp ở nghĩa địa để sửa sang, quét dọn phần của tổ tiên và những thân quyến quá cố. Họ đem hương hoa lễ vật bày ở mộ và "cung thỉnh" hương hồn những người quá vãng về nhà ăn Tết cùng con cháu...
Tục tảo mộ Tết này, trước các thời kỳ chiến tranh vẫn còn được duy trì nhiều nơi ở miền Bắc và nhiều tỉnh ở miền Trung như ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa v.v... Theo sách "đại Nam thống Chí", nhiều nơi ở miền Bắc nhất là quanh vùng Hà Nội còn có tục cả họ (nghĩa là tất cả mọi người trong cùng một gia tộc) tụ họp nhau lại để cùng đi tảo mộ tổ tiên và thân quyến quá cố, vào những ngày trước tết... Có nơi thì đi thăm mộ vào những ngày đầu năm. Tục tảo mộ Tết này được gọi là Lễ Tổ Lạp.
Tục chưng hoa ngày Tết
Chưng hoa kiểng ngày Tết là một nhu cầu làm đẹp của dân tộc ta, có truyền thống từ ngàn xưa và mang nhiều ý nghĩa. Hoa được coi là yếu tố tinh thân cao quý, thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa mai. Đây là 2 loại hoa tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt.
Ngoài ra, người ta còn chưng thêm cây quýt chín đầy quả vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng của sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc. Trên bàn thờ gia tiên cắm những bông vạn thọ, những cành phát lộc... với ý nghĩa thể hiện ước vọng của mọi người là năm mới khoẻ mạnh, trường thọ, phát tài phát lộc hơn năm cũ.
Tục chưng mâm ngũ quả
Trong ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Năm loại quả này phải đại diện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thông thường người ta chọn yếu tố màu sắc đặc trưng của ngũ hành: màu trắng là màu của Kim, màu xanh lá cây là màu của Mộc, màu xanh lam hay đen là màu của Thủy, màu đỏ là màu của Hỏa, màu vàng là màu của Thổ.
Ngoài ra, tên của loại trái cây mang một ý nghĩa rất quan trọng, gắn liền với sự sung túc, sức khỏe và may mắn như : Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, Xoài, Đào Tiên, Táo, Dưa Hấu... Mâm ngũ quả biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà, tổ tiên của mỗi người Việt, cũng như lòng mong ước một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp.
Chung lại, mâm ngũ quả là những loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng. Ngũ quả là lộc trời. Chưng mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa nói lên ước vọng của gia đình bước sang năm mới được no đủ, sung túc.
Tống cựu nghênh tân
Vào dịp cuối năm, mọi người đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, vứt bỏ mọi rác rưởi, dọn dẹp, trang trí bàn thờ, lau dọn, cắt tóc, mua sắm quần áo mới. Mọi người đều nhắc nhở con cháu, người thân của mình kể từ giờ phút giao thời trở đi không được nghịch ngợm, cãi vã, không nói tục, chửi bậy, cha mẹ anh chị không trách phạt, quở mắng con em mình. Đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, rạng rỡ, vui vẻ, niềm nở chúc nhau những điều tốt lành.
Cúng Tất niên
Lúc đầu được hiểu như là hoàn tất (công việc) trong năm, tức cúng các tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn, nhưng vì không phải thợ nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng nên dần dà, mọi người đều cúng. Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29 hoặc 30 Tết.
Đón giao thừa
Theo tiếng gốc Hán thì "giao" là "xen kẽ, thay nhau" hoặc "nối tiếp, trao đổi lẫn nhau", còn "thừa" là "đảm nhận, thi hành" hoặc "thừa kế, kế tiếp". Do vậy, giao thừa tức là vào lúc 12h đêm 30 tháng Chạp âm lịch. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời điểm con người giao hoà với thiên nhiên, tổ tiên trở về sum họp với con cháu.
Cúng Giao thừa hay lễ Trừ Tịch: Theo tục lệ cổ truyền thì "giao thừa" được tổ chức nhằm đón các thiên binh. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã. Đôi khi có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương hành khiển.
Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc. Bắt đầu vào lúc giao thừa, và cũng kết thúc vào lúc giao thừa. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ".
Ðến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà.
Sau khi cúng Giao thừa xong, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết. Ở Nam bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất. Sau khi cúng xong, xem như Tết thực sự đã đến với gia đình. Sau khi cúng giao thừa xong, cả nhà quây quần quanh mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn, uống chén rượu đầu xuân, con cái chúc thọ ông bà, cha mẹ, người lớn lì xì cho trẻ tiền quà mừng tuổi đựng trong bao giấy đỏ như một sự may mắn trong năm mới.
Tục "xông đất" ngày Tết
Với ngày đầu tiên trong năm, Tết có một ý nghĩa đặc biệt trang nghiêm. Vì là ngày bắt đầu một năm nên mọi công việc làm trong 24 giờ đều có ảnh hưởng đến trọn năm. Sự xông đất, xuất hành những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm là điều mà ai cũng phải cẩn trọng. Trong tất cả mọi việc, tục xông đất được coi là quan trọng hơn hết.
Sau giao thừa, người nào từ ngoài đường bước vào nhà được gọi là người "xông đất", nếu là người "tốt vía" thì cả nhà sẽ ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn. Vì vậy, người xông nhà thường được chọn trong số những người bạn thân, với mong muốn mang lại sự tốt lành cho gia đình trong suốt năm mới.
Tục chúc Tết
Với ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp, Tết Nguyên Đán được cho là Tết của mọi gia đình, của mọi nhà. Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là những ngày quan trọng, tươi vui nhất, là ngày đoàn tụ, đoàn viên của mọi gia đình. Đây cũng là dịp để mọi người có điều kiện thăm hỏi lẫn nhau: con cháu thăm hỏi ông bà, cha mẹ, chú bác; học trò thăm hỏi thầy cô, gặp mặt bạn bè chúc tụng.
Lời chúc Tết thường là chúc sức khoẻ, phát tài phát lộc, tai qua nạn khỏi, gặp nhiều may mắn, tốt lành. Đây là một nét đẹp văn hoá, thể hiện lòng quan tâm lẫn nhau của dân tộc Việt Nam, mong muốn đem dành tặng nhau những lời tốt lành, những niềm hy vọng tốt đẹp.
Các phong tục đầu năm là những nét đẹp trong truyền thống văn hoá của dân tộc, vẫn luôn được con cháu Việt Nam tiếp tục duy trì và gìn giữ. Với những nét đẹp trong các phong tục truyền thống, Tểt Nguyên Đán mang những ý nghĩa đầy nhân bản, đang và sẽ tiếp tục sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt.
Tục Kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết
Họ sợ rằng sẽ quét hết vận đỏ đi. Vì thế ai cũng quét dọn nhà cửa, vườn tược, bao sái đồ thờ tự trước lúc giao thừa. Ở Nam Bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm quét sạch của cải.
Ở nông thôn ngày Tết nhà nào cũng rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ, hung thần bốn phương kéo đến gieo tai hoạ. Còn thành thị thường hay treo “quả bùa gỗ” để trấn ma quỷ.
Tục Xông nhà
Xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại vì thế hầu như nhà nào cũng kiêng kị rất cẩn thận. Bởi nếu không những điều xấu sẽ vận vào bản thân, gia đình mình. Vì sợ “dông” nên phải chọn người xông nhà, tuổi tính theo hàng can không xung với năm đó và không xung tuổi với chủ nhà.
Người ta thường chọn những người gia cảnh song toàn, con cháu đông đàn dài lũ, làm ăn thịnh vượng, vì thế mới có lệ “hẹn trước”, mời đến xông nhà.
Người Nam Bộ còn có thói quen chọn người có tên đẹp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lợi… mời đến xông nhà để cả năm sẽ thuận lợi, may mắn.
Thật không may cho nhà ai bị những người nặng vía xông nhà, hoặc mùng một Tết có người đến nhà xin lửa, xin nước. Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại.
Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước. Chẳng thế mà sáng mùng một Tết rất nhiều nhà, nhất là ở phố phường xưa kia hay thuê người gánh nước đến. Họ được mừng tuổi đôi ba hào, thế là cả chủ nhà lẫn người quẩy thuê cả năm sẽ đều may mắn.
Một điều nữa cần nói đến là trong ngày Tết mọi người đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với hàng xóm láng giềng, bạn bè và những người trong gia đình.
Ai cũng tỏ ra vui vẻ, hồ hởi, thân tình trong không khí ấm áp của mùa xuân. Ai cũng ngại và sợ to tiếng hoặc xô xát thì quanh năm sẽ bị dông. Giá như điều kiêng kị này cứ giữ được trong cả năm thì hay biết bao.
Cinet tổng hợp
Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013
Những phong tục đầu năm của người Việt ( P2 )
Các phong tục ngày Tết như chọn người xông đất, lì xì, xuất hành hái lộc, thăm viếng họ hàng đều gắn liền với mong muốn một năm mới an lành, phát lộc. Bởi người Việt quan niệm, đầu năm mọi việc diễn ra suôn sẻ thì cả năm sẽ được thuận lợi.
Xông đất
Xông đất là cách gọi của miền Bắc, còn dân miền Trung dùng đúng tên cổ tục này là "đạp đất". Người Việt quan niệm ngày mồng Một nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm mới vì thế rất quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem trong số bà con hay láng giềng, người nào có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm.
Người xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, để mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy, thông suốt. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phúc. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.
Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều: Người được chọn xông đất phải khỏe mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hòa thuận.
Chúc Tết
Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người thêm một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết, con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm 1 tuổi).
Lì xì
Lì xì ( phát âm theo người Quảng Đông: lishi): Người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.
Xuất hành và hái lộc
"Xuất hành" là ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và phương hướng tốt, mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một "cành lộc" mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục "hái lộc". Cành lộc là một cành đa nhỏ hay nhánh đề, si... đều là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc.
Tục hái lộc ở các đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nên cây cối trong các đền chùa ở đây vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.
Thăm viếng họ hàng
Tục thăm viếng họ hàng đi liền với mong muốn gắn kết tình cảm gia đình, anh em. Lời chúc Tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công. Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi" hay "của đi thay người" nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.
Điềm lành trong ngày Tết
- Hoa mai: Sau Giao thừa, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may. Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài bông hoa 6 cánh.
- Chó lạ vào nhà: Như tục ngữ đúc kết: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang".
- Cây đào: Nếu hoa có nhiều cánh kép, 3 lớp trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc.
- Cây quất: Nếu cây có nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc.
(st)
Những phong tục đầu năm của người Việt ( P1 )
“Đầu năm mua muối” một phong tục mặn mà của người Việt Nam
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Từ ngàn đời xưa, người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung thường có quan niệm muối nằm trong danh mục nhóm thực phẩm quan trọng nhất, thiết yếu nhất tạo nên các hợp chất hữu cơ giúp nuôi sống con người.
Thậm chí, tuỳ điều kiện vật chất ở từng nơi, người ta còn cho muối là loại thực phẩm đặc biệt quý hiếm và không thứ gì khả dĩ thay thế được.
Song đã từ lâu ở nước ta cũng như nhiều nước khác, muối đúng là loại thực phẩm (gia vị) rất cần thiết nhưng không còn là của quý hiếm. Người ta có thể dễ dàng mua muối ở đâu cũng được và mua với số lượng bao nhiêu tuỳ ý. Tuy vậy, tại nhiều làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ, tục mua muối đầu năm âm lịch vẫn tồn tại như một tín ngưỡng thật khó lý giải. Theo các nhà nghiên cứu dân gian, tục mua muối đầu năm không chỉ có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực (thưởng lãm), mà trên ý nghĩa tinh thần, mua muối đầu năm là thể hiện ước muốn quan hệ gia đình, dòng tộc, thầy trò và quan hệ xã hội thêm mặn mà, gắn bó nhau hơn.
Chiều hôm tất niên (30 tháng Chạp), các bà nội trợ đem cái âu (hũ, lọ hoặc liễn) đựng muối của gia đình ra cọ rửa sạch sẽ rồi phơi nắng cho khô hết nước. Để rồi sáng mùng 1 Tết, trong tiết trời se lạnh với “bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”, từng đoàn các bà, các chị, các cô theo nhau lên chùa và ai cũng đậm đà với khăn nhung yếm thắm. Vẫn là một mỹ tục nghìn đời đầu năm đi lễ chùa tụng miếu, nhưng khi về nhiều người không quên mua một túi muối để cầu may. Mặc dù theo luật cung cầu, giá muối hôm nay khá “chát” so với thường ngày. Không ai biết câu tục ngữ: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” có từ bao giờ, song tục “mua muối cầu may” đầu năm mới thì hầu hết làng quê nông thôn Việt Nam ở đâu cũng thấy. Người ta lý giải rằng muối có màu trong suốt và đó là biểu hiện của sự sạch sẽ, tinh khiết, thanh cao; tượng trưng cho tình cảm tốt đẹp, trung hậu, sự hòa hợp trong quan hệ mang đậm dấu ấn hồn hậu thôn quê. Có nhà nghiên cứu cho rằng hạt muối nhỏ nhoi và chẳng đáng gì về mặt kinh tế, nhưng nó mang trong mình ý nghĩa văn hoá phi vật thể thiêng liêng. Lẽ thường, khi yêu quý nhau, người ta mong muốn có mối quan hệ mặn mà và trong đời, sự mặn mà không gì bằng… muối!
Hiện nay, ở vùng nông thôn Bắc Bộ nhiều người vẫn quan niệm đầu năm mua muối thì cả năm sẽ làm ăn tấn tới, tình cảm gia đình trọn vẹn như vị đậm đà của muối. Có người còn rắc muối ra đường và xung quanh nhà với hy vọng nơi nơi đều bình yên. Sáng mùng một Tết tại các đình chùa, muối được bày bán bên cạnh hoa quả, vàng mã, đèn hương… Sau khi vào lễ Phật, lúc ra về trên tay các bà, các chị là những cành lộc vàng cùng một gói muối; ai cũng đinh ninh trong dạ niềm tin về một năm mới mọi việc tốt đẹp, hanh thông.
(St)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)