Trang

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Những phong tục đầu năm của người Việt ( P2 )







Các phong tục ngày Tết như chọn người xông đất, lì xì, xuất hành hái lộc, thăm viếng họ hàng đều gắn liền với mong muốn một năm mới an lành, phát lộc. Bởi người Việt quan niệm, đầu năm mọi việc diễn ra suôn sẻ thì cả năm sẽ được thuận lợi.

Xông đất

Xông đất  là cách gọi của miền Bắc, còn dân miền Trung dùng đúng tên cổ tục này là "đạp đất". Người Việt quan niệm ngày mồng Một nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm mới vì thế rất quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem trong số bà con hay láng giềng, người nào có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm.
Người xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, để mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy, thông suốt. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phúc. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.
Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều: Người được chọn xông đất phải khỏe mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hòa thuận.

Chúc Tết

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người thêm một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết, con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm 1 tuổi).

Lì xì

Lì xì ( phát âm theo người Quảng Đông: lishi): Người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.




Xuất hành và hái lộc

"Xuất hành" là ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và phương hướng tốt, mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một "cành lộc" mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục "hái lộc". Cành lộc là một cành đa nhỏ hay nhánh đề, si... đều là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc.
Tục hái lộc ở các đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nên cây cối trong các đền chùa ở đây vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.



Thăm viếng họ hàng

Tục thăm viếng họ hàng đi liền với mong muốn gắn kết tình cảm gia đình, anh em. Lời chúc Tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công. Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi" hay "của đi thay người" nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.


Điềm lành trong ngày Tết

- Hoa mai: Sau Giao thừa, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may. Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài bông hoa 6 cánh.
- Chó lạ vào nhà: Như tục ngữ đúc kết: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang".
- Cây đào: Nếu hoa có nhiều cánh kép, 3 lớp trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc.
- Cây quất: Nếu cây có nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc.

(st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét